Là bậc cha mẹ ai cũng muốn mang lại những điều tốt đẹp nhất cho con để con thành công, vững bước trên đôi chân của mình. Để rồi con lớn lên trở thành nhà văn, họa sĩ, bác sĩ… Nhưng có bao giờ mẹ tự hỏi rằng phải làm gì để con có sự phát triển tốt nhất trong những năm đầu đời? Dưới đây Bibo Mart xin chia sẻ một số bí quyết giúp bé phát triển trí não một cách toàn diện:
Dinh dưỡng: Điều kiện phát triển trí não
Từ tuần thứ 8 của thai kỳ đến khi 2 tuổi, não bé sẽ đạt 80% trọng lượng não người lớn. Từ 2 đến 6 tuổi, trọng lượng não đạt gần bằng 100% não người lớn, nghĩa là khả năng tư duy và tiếp nhận thông tin của bé tương đương với một người trưởng thành. Trong giai đoạn vàng này, mẹ cần đặc biệt chú trọng đến yếu tố dinh dưỡng để bé có những điều kiện tốt nhất phát triển trí não. Chỉ khi được cung cấp và hấp thu đầy đủ các chất dinh dưỡng tốt cho trí não như DHA, I-ốt, Vitamin B, Choline, Sắt, Kẽm,… bé mới có được nền tảng hoàn hảo để phát triển toàn diện ngay từ đầu.
“Tương tác thông minh”: Yếu tố để phát triển toàn diện
Dinh dưỡng tuy quan trọng nhưng không phải là yếu tố duy nhất mẹ cần chú ý. Mẹ có thể giúp bé phát triển trí não hơn nữa bằng cách mang đến cho bé những “tương tác thông minh”
Khái niệm “tương tác thông minh” có thể còn khá khó hiểu với nhiều bà mẹ, song chính những việc làm rất đơn giản hàng ngày của mẹ cũng có thể là những tương tác giúp kích thích trí não bé phát triển. Việc lựa chọn các hình thức tương tác, mẹ nên dựa vào các cột mốc phát triển của bé:
Giai đoạn thai kỳ:
– Mẹ có thể nói với bé bằng ý nghĩ mỗi ngày: ‘Cảm ơn con đã đến bên mẹ’ để bé cảm nhận được sự yêu thương của mẹ.
– Mẹ cũng có thể đọc truyện cười, xem phim hài… tự tạo niềm vui chính là mẹ đang tạo nụ cười cho bé trong bụng mẹ.
Giai đoạn từ 0-6 tháng tuổi:
– Tạo một mô hình đơn giản trên nôi của bé để bé học cách tập trung.
– Giữ lục lạc ở khoảng cách cách xa mắt bé và cho bé tập trung vào lục lạc, sau đó di chuyển từ bên này sang bên kia để mắt bé theo dõi sự di chuyển của lục lạc.
Giai đoạn 7-12 tháng tuổi:
– Trò chơi trốn tìm: Dùng một chiếc chăn nhỏ phủ kín đầu mẹ và để bé kéo chăn xuống nhìn thấy đầu mẹ. Tiếp theo, phủ nhẹ chăn lên đầu bé và kéo chăn xuống. Bé sẽ nhanh chóng bắt được cách thức chơi đó và đồng thời phát triển khả năng nhận thức.
– Cho bé chơi những đồ chơi có nút để ấn, núm để xoay và cán để kéo kích thích kỹ năng vận động.
Giai đoạn từ 1-2 tuổi:
– Lật qua các trang sách, chỉ vào hình ảnh và nói với bé: ‘Con chó kia kìa’. Bé sẽ chú ý vào bức hình. Khi được kích thích liên tục, bé có thể chỉ vào hình một con chó khi được hỏi con chó ở đâu.
– Hãy chạy đua với bé. Mẹ có thể giúp bé cải thiện sự phối hợp các cử động của cơ thể.
Giai đoạn từ 2 tuổi trở lên:
– Cung cấp các đồ chơi giúp bé phát triển kỹ năng vận động ở tay như phấn để vẽ, búp bê hoặc thú nhồi bông mặc quần áo có những hạt nút lớn, dây kéo…
– Chơi những trò chơi chuyền qua chuyền lại, chẳng hạn như lăn một quả bóng về phía bé và yêu cầu bé lăn trả lại, sử dụng những cụm từ như: ‘Đến lượt con… Đến lượt mẹ…”.
Cho bé thoải mái vận động để phát triển trí não
Mẹ vốn nghĩ vận động chỉ giúp bé phát triển thể chất, còn các hoạt động liên quan đến tư duy, suy nghĩ mới giúp bé phát triển trí thông minh. Tuy nhiên các chuyên gia giải thích rằng vận động chính là chìa khóa vàng giúp trí não bé phát triển một cách tối ưu nhất.
Vận động không chỉ khiến cơ thể bé khỏe mạnh, linh hoạt mà còn giúp bé trở nên nhạy bén, khả năng ghi nhớ và xử lý thông tin của bé cũng được cải thiện không ngừng. Ví dụ như khi bé chơi bóng rổ, bé sẽ rèn luyện được sự tập trung và khả năng quan sát, phối hợp nhuần nhuyễn thị giác, thính giác, khả năng phán đoán tình huống, qua đó tăng cường kết nối giữa các tế bào thần kinh.
Chú trọng bồi dưỡng cảm xúc và giao tiếp cho bé
Trò chuyện cùng bé hàng ngày không chỉ là sợi dây kết nối tình cảm giữa mẹ và bé mà còn giúp bồi dưỡng cảm xúc và kĩ năng giao tiếp cho bé. Việc mẹ âu yếm, trò chuyện với bé có tác động rất lớn đến tình cảm và khả năng giao tiếp, diễn đạt từ ngữ, cách phát âm của bé sau này. Mẹ cũng lưu ý nên nói chuyện với bé bằng những câu đầy đủ, không nên cố tình nói ngọng, nói líu để tạo âm thanh vui nhộn vì bé có thể bắt chước rất nhanh.